Vì sao ô nhiễm không khí ở Đông Nam Á bất ngờ trầm trọng như vậy?

 

Vì sao ô nhiễm không khí ở Đông Nam Á bất ngờ trầm trọng như vậy?

Việc đốt rẫy đang làm Đông Nam Á ngộp thở ra sao ở một số nơi có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới?

Cuộc họp ba bên tại Bangkok


Ngồi trong phòng họp kiểu Venice lai Gothic tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 7 tháng 4, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang chủ trì một cuộc tham vấn ba bên trực tuyến để thảo luận về tình hình ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Bên ngoài, mọi người đang ngộp thở vì khói bụi khi chất lượng không khí nói chung của Thái Lan giảm mạnh, với mức độ hạt vật chất có hại, được gọi là PM2.5, được ghi nhận cao gấp 10 lần mức an toàn. Ở phía bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều, thì con số này là hơn 40 lần.

Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, tính đến đầu tháng 3, hơn 1,3 triệu người trên toàn quốc đã bị ảnh hưởng xấu bởi ô nhiễm không khí trong năm nay, trong đó ít nhất 200.000 người đã phải nhập viện chỉ trong một tuần. Những con số này đã tăng lên đáng kể trong cả năm.

Tuy nhiên, cuộc họp kể trên lại ít có ý nghĩa thực tế. Những người đối thoại cùng với ông Prayuth, về Chiến lược Bầu trời Trong xanh (CLEAR Sky Strategy) được ông đặt tên một cách lạc quan, là người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, và Thủ tướng Sonexay Siphandone của Lào.

Cả ba biết rằng họ phải xuất hiện để làm điều gì đó. Các vệ tinh phát hiện điểm nóng của NASA cho thấy vào tháng 3 và đầu tháng 4, phần lớn khu vực Đông Nam Á lục địa đã bốc cháy, chủ yếu là do nông dân đốt lửa ngoài trời để dọn đất và đốt chất thải nông nghiệp.
Screenshot 2023-05-15 170806.jpg
Screenshot 2023-05-15 170835.jpg
Chuỗi ảnh thể hiện tình trạng các đám cháy hoặc ít nhất là bất bình thường về nhiệt được chụp vào ngày thứ 14 hàng tháng từ Hệ thống Quản lý Tài nguyên của NASA, các tháng được chụp từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023. Nguồn: Nikkei

Nhưng không ai cần tới các vệ tinh để nói với họ rằng có vấn đề. Khung cảnh đồi núi của Thái Lan đã biến mất khỏi tầm nhìn và khói mù dai dẳng bao phủ hầu hết miền bắc của đất nước, khi người dân phải vật lộn để thở giữa khói dày đặc từ các đám cháy. Thành phố phía bắc Chiang Mai trong nhiều ngày từ đầu năm đến nay được xếp hạng tồi tệ nhất thế giới về ô nhiễm không khí, theo đo lường của IQAir, một công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sĩ.

Mùa khói bụi


Châu Á là nơi có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chiếm tất cả ngoại trừ ba trong số 100 thành phố tồi tệ nhất thế giới về chất lượng không khí do IQAir xếp hạng vào năm 2022. Ba thành phố duy nhất không thuộc châu Á là N’Djamena (Chad), Ouagadougou (Burkina Faso) và Herceg-Novi (Montenegro).

Nhưng vấn đề của Đông Nam Á không giống như ô nhiễm công nghiệp đang tàn phá Trung Quốc và Nam Á, mà nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch để lấy năng lượng và vận chuyển, các nhà máy lỗi thời, lò nung và việc xử lý chất thải. Phần lớn khói mù ở Thái Lan và các nước láng giềng là do đốt chất thải nông nghiệp theo mùa trên các cánh đồng dọc bên sườn núi, mà chúng từng được rừng bao phủ; bằng cách đốt các khu vực có nhiều cây cối và nền đất rừng để tăng diện tích đồng cỏ mà người ta có thể chăn thả gia súc trên đó.

Screenshot 2023-05-15 170355.jpg
Vị trí của Chiang Mai trên bản đồ Thái Lan và các nước nằm trong vùng ảnh hưởng nặng của ô nhiễm khói mù.



Đốt rẫy nông nghiệp là một cách rẻ tiền cho nông dân nghèo trong khu vực gia tăng sản lượng, dọn sạch chất thải và mở rộng diện tích cây trồng. Đó là một triệu chứng của các phương pháp canh tác công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động: Ví dụ, trong khi máy gặt đập liên hợp nghiền nát được chất thải cây trồng, nhiều nông dân ở vùng núi hoặc là không đủ khả năng mua máy móc tiên tiến hoặc không thể nào sử dụng máy trên các sườn dốc. Thay vào đó, họ đốt chất thải từ việc trồng bắp và các loại cây trồng khác - như một phương tiện hiệu quả và chi phí thấp để dọn sạch các cánh đồng cho việc trồng trọt trong tương lai.

Theo một báo cáo của IQAir, mặc dù các hoạt động đốt ngoài trời là bất hợp pháp ở Thái Lan, nhưng “nông dân thường không đủ khả năng chi trả cho việc thuê nhân công để cắt và thu thập lá vụn cũng như sự chậm trễ trong chu kỳ vụ mùa tiếp theo”.

Những người nông dân nghèo thường không có lựa chọn nào khác -- nhiều người bị mắc vào bẫy nợ định kỳ. Họ mua hạt giống, phân bón và thuốc trừ sâu từ các thương gia bằng hình thức tín dụng với lãi suất cao vì các ngân hàng không coi họ là đáng tin cậy để cho vay.

“Tình hình là không đủ sống và nếu không trả được nợ, họ có thể mất đất,” Arkorn Vodananavid, giáo sư nông nghiệp đã nghỉ hưu tại Viện Công nghệ Chonburi (một tỉnh phía đông nam Bangkok), nói với Nikkei Asia. “Nông dân Thái đang nghèo đi từng ngày."

Dữ liệu về cháy rừng đang hoạt động của NASA, được thu thập thông qua hình ảnh hồng ngoại từ các vệ tinh, cho thấy tính chất theo mùa của vấn đề ô nhiễm không khí ở Đông Nam Á. Từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm, nông dân địa phương đốt tàn dư của cây trồng.

Mặc dù một số đám cháy được cho là do sét đánh, nhưng phần lớn là do cố ý gây ra. Mức độ nghiêm trọng của chúng càng trở nên nặng nề hơn do điều kiện khô và nóng liên quan đến các kiểu khí hậu bất ổn xảy ra vào năm 2017 và quay trở lại vào năm nay. Quá trình đốt cháy tạo ra những đám mây gồm khói và các chất ô nhiễm không khí được lan đi khắp khu vực và góp phần vào tình trạng ô nhiễm công nghiệp và xe cơ giới hiện có ở các thành phố.



chiang-mai-street_2023-04-07_17-31-33.jpg
Người lái xe đeo khẩu trang giữa mức độ ô nhiễm không khí cao ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan vào ngày 10 tháng 3 năm 2023, thông thường người dân ở Chiang Mai thường đeo khẩu trang khi di chuyển trện đường. Nguồn: Philstar

Trong mùa cháy rừng, khu vực Nam Á và Đông Nam Á xuất hiện như một vệt đỏ khổng lồ khi nhìn từ vị trí thuận lợi của các vệ tinh NASA.

Theo NASA, ở bất kỳ thời điểm nào vào đầu tháng 4, có tới 30.000 đám cháy được phát hiện ở Myanmar (đặc biệt là ở các bang giáp Thái Lan), bắc Lào và bắc Thái Lan. Các đám cháy cũng đã xảy ra ở Campuchia và Việt Nam.

Cuộc họp của ông Prayuth hứa hẹn “tiếp tục cam kết” với các thỏa thuận đa phương nhằm chấm dứt vấn đề khói bụi -- Kế hoạch hành động Chiang Rai được năm quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Kông thông qua vào năm 2017 để giải quyết bức màn khói gay gắt bao trùm lục địa Đông Nam Á mỗi năm.

Bị đánh giá rộng rãi là… một thất bại, Kế hoạch Chiang Rai đi theo vết xe đổ của Thỏa thuận ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới được thông qua vào năm 2002, mà cũng không đạt được thành tựu gì đáng kể. Nó được soạn thảo chủ yếu để đối phó với việc đốt rừng nhiệt đới của Indonesia vào những năm 1990 để tạo ra các đồn điền dầu cọ; Malaysia và Singapore là những nạn nhân chính của khói mù gây ngộp thở nghiêm trọng đến mức có lúc phải đóng cửa các sân bay và khiến hàng chục ngàn người mắc bệnh.

Screenshot 2023-05-15 171614.jpg
Một nông dân đốt ruộng lúa của mình ở Nakhon Sawan, Thái Lan, vào ngày 9 tháng 3 để chuẩn bị cho vụ gieo cấy tiếp theo, đây là thông lệ lặp đi lặp lại hàng năm của họ. Nguồn: Nikkei

Cho đến nay, đây là mùa khói bụi tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua ở Chiang Mai,” một người Mỹ xa xứ sống lâu năm ở đó nói với Nikkei. “Tôi cảm thấy tiếc cho tất cả những người không thể thu dọn đồ đạc và rời đi như chúng tôi có thể.”

Nhưng chất lượng không khí ở vùng xa hơn về phía bắc là Tam giác Vàng, nơi Lào, Myanmar và Thái Lan gặp nhau tại ngã ba sông Mekong và sông Ruak, thậm chí còn tồi tệ hơn trong những tuần gần đây. Vào tháng 4 ở Chiang Rai, nằm ở phía bắc Chiang Mai, gần biên giới Thái Lan với Myanmar, nồng độ PM2.5 trong không khí thường xuyên vượt quá 200 microgam trên mỗi mét khối không khí (trong khi mức nguy hại chỉ là từ 35 microgam/m3 trở lên).

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng nồng độ PM2.5 từ 0-5 microgam trên mét khối là an toàn. Tính đến ngày 18 tháng 4, mức của Chiang Rai là 194.

Vào ngày diễn ra cuộc họp của ông Prayuth, Thống đốc Chiang Mai Nirat Pongsitthavorn, người vào tháng 10 đã dự đoán 6 triệu khách du lịch sẽ đến thăm tỉnh này trong năm nay, đã buộc phải ban hành chỉ thị làm việc tại nhà cho các công chức nào có điều kiện làm được như vậy.

Chỉ thị khuyến nghị đóng cửa các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày và công viên công cộng đang hoạt động, đồng thời cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh và người già ở nhà - mặc dù không rõ liệu điều này có cải thiện khả năng tiếp cận… không khí sạch của họ hay không.

Các trường tư thục như Prem Tinsulanonda International ở Chiang Mai đã lắp đặt hệ thống áp lực dương trong lớp học và phương pháp giảng dạy trực tuyến kết hợp đặc biệt, nhưng không có sự sắp xếp nào như vậy ở các trường công lập và tòa nhà công cộng.

Tại một bệnh viện, mức độ PM2.5 trong khu vực sảnh được ghi nhận là “không tốt cho sức khỏe” ở mức 140 và các cửa sổ ở khu công cộng của bệnh viện bị mở toang cho khói mù bay khắp khi máy điều hòa không khí cũ không xử lý được nhiệt độ tăng vọt lên 30 độ C.

“Chúng tôi muốn thấy chính phủ thay đổi chính sách của mình, để thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ,” Tiến sĩ Rangsarit Kanchanawanit từ khoa y tại Đại học Chiang Mai, được tờ Bangkok Post trích dẫn. “Điều này có thể cứu hàng triệu người khỏi bệnh tật.”

Screenshot 2023-05-15 171756.jpg
Các mức chất lượng không khí ở những thành phố Đông Nam Á được lựa chọn vào năm 2022 (chỉ số hạt vật chất PM2.5, trung bình hàng tháng, đơn vị microgam/m3). Ví dụ, Bangkok vào tháng 6/2022 có mức PM2.5 là 8.4 mcg/m3 (gấp 1-2 lần so với khuyến cáo của WHO), Chiang Mai tháng 3/2022 có mức PM2.5 là 39.9 mcg/m3 (gấp 7-10 lần khuyến cáo của WHO), v.v… Trong khi đó mức của Chiang Rai vào ngày 18/4/2023 cao gấp 39 lần mức khuyến cáo, bỏ xa mọi ô trong bảng này.

Sự thịt hóa


“Tôi đã chăn nuôi bò được vài năm, nhưng năm nay chúng tôi không thể cung cấp đủ cho nhu cầu,” một người chăn gia súc được phỏng vấn ở phía bắc Chiang Mai và yêu cầu giấu tên cho biết. Đàn gia súc 200 con của ông hàng ngày được thả ra khỏi chuồng để gặm cỏ trên sườn núi gần đó. “Chúng tôi để chúng ăn cỏ trong rừng vì chúng tôi không có đất riêng và đây là khu rừng chưa được sử dụng.
“Đôi khi chúng tôi phải đốt cây bụi cỏ hoang để cho gia súc vào được rừng. Còn việc mua và thu gom cỏ tươi có thể tốn kém và rất vất vả.”

Bối cảnh của sự gia tăng đốt rừng rẫy nông nghiệp ở Đông Nam Á là sự bùng nổ nhu cầu lương thực, được thúc đẩy bởi nước láng giềng Trung Quốc. Nông dân chăn nuôi gia súc và trồng trọt, và cho biết họ không gặp khó khăn gì khi bán mọi thứ họ trồng được. Điều đó đã dẫn đến sự gia tăng mùa màng và đốt rừng. Những người chăn nuôi đốt rừng có tầng thấp để tạo đồng cỏ tươi, trong khi nông dân đốt chất thải từ các loại cây trồng như bắp và khoai mì, mà được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại. Khoảng 80% bắp được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho bò sữa, heo, gà và vịt.
“Tôi không biết mình có thể làm việc này bao lâu nữa,” người chăn gia súc nói. “Tôi đã già và việc tìm đất để chăn nuôi gia súc trở nên khó khăn hơn. Nhưng lúc nào cũng có người mua và giá thị trường rất tốt nên tôi rất vui.”

Trái ngược với các tỉnh miền trung bằng phẳng của Thái Lan, nơi bắp được trồng bằng máy gặt đập liên hợp mà nó xử lý được chất thải mà không cần đốt, nông dân ở các khu vực miền núi như phía bắc Thái Lan và Lào sử dụng các phương pháp đốt nương làm rẫy để tạo đường ranh giới nông nghiệp mới với rừng và đốt chất thải.

Screenshot 2023-05-15 174223.jpg
Một bản đồ địa hình cũ thể hiện miền Trung và miền Bắc Thái Lan, với khu vực miền trung rộng lớn tạo thành bởi lưu vực trung lưu sông Chao Phraya (Mê Nam) và cao nguyên Khorat có địa hình hết sức bằng phẳng tương phản với miền bắc và khu vực dọc biên giới với Myanmar chủ yếu là núi đồi. Địa hình là một trong những nhân tố căn nguyên cho tình trạng ô nhiễm ở khu vực Chiang Mai.

Rừng vùng cao đang bị phá hủy ngày càng nhiều. Các chuyên gia cho biết một sườn núi bị đốt để trồng ngô trở nên xói mòn và kém năng suất hơn, đòi hỏi phải dọn sạch nhiều sườn dốc hơn, các chuyên gia cho biết.

“Thế nên nông dân đang dọn đất để trồng những loại cây này.” Danny Marks, trợ lý giáo sư tại Đại học Thành phố Dublin, người có nhiều kinh nghiệm thực địa ở Đông Nam Á, cho Nikkei biết. “Phần lớn bắp được trồng ở ba quốc gia này được biến thành thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu sang Trung Quốc, nơi có nhu cầu về thịt đang bùng nổ”. Một số học giả gọi hiện tượng này là “thịt hóa”, nghĩa là rừng bị đốt để cuối cùng phục vụ cho các nhu cầu về thịt: mọi thứ đều được biến đổi để chuyển thành thịt.

Screenshot 2023-05-15 172015.jpg
Lính cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt một đám cháy rừng gần bệnh viện Mae Chan ở Chiang Rai, ngày 14/4/2023. Nguồn: Bangkok Post

“Khu đất cũ trước tiên sẽ được bao phủ bởi cỏ và cây bụi,” Mark Simmerman, một nhà khoa học về y tế công cộng người Mỹ cư trú tại Chiang Mai cho biết. “Trong vòng 5 đến 10 năm nữa, sẽ có những cây nhỏ mọc lên -- đủ để làm cho khu vực này có vẻ như là 'rừng' qua vệ tinh. Điều này giúp cải thiện số liệu thống kê của quốc gia về độ che phủ cây rừng, nhưng nó hầu như không còn là cùng một khu rừng như trước khi nó bị phá để trồng ngô.”

Một thuật ngữ cho hiện tượng này do một số nhà hoạt động đặt ra là “Brazilization” (Brazil hóa). Là việc những khu vực rộng lớn của rừng mưa Amazon ở Brazil đã bị biến thành đồng cỏ cấp thấp cho các trang trại và gia súc thả rông. Ở Đông Nam Á, một quy trình tương tự bao gồm việc đốt nền đất rừng và bụi rậm để khuyến khích cỏ mọc để chăn thả và săn bắn thô bạo.

Screenshot 2023-05-15 172136.jpg

Một khu rừng thuộc cộng đồng bị dân làng ở Sop Moei, tỉnh Mae Hong Son phía bắc Thái Lan đốt vào tháng 12 năm 2021. Đốt cây cũ để nhường chỗ cho chồi mới là một phần của chu kỳ canh tác hàng năm. Nguồn: Nikkei

“Phần lớn, đó là việc phát quang hàng trăm nghìn khoảnh rừng thường là rất nhỏ; nhiều hơn một chút mỗi năm, giống như những con kiến ăn từng mẩu bánh mì một”, Simmerman nói với Nikkei. “Điều này dẫn đến nỗ lực chắp vá bị yếu đi, suy thoái của các khu rừng mà không phải lúc nào cũng đáp ứng được định nghĩa chính thức về ‘hủy hoại rừng’.”

Với điều kiện rất khô hạn, đám cháy có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát và tàn phá nhiều khu rừng hơn dự kiến. “Người Thái gọi đây là cưỡi voi bắt châu chấu,” cựu giáo sư nông nghiệp Arkorn nói với Nikkei.

Tương tự như vậy, việc đốt rừng ở nước láng giềng Lào có liên quan đến sự bùng nổ xuất khẩu nông sản đối với các loại cây trồng như chuối, cao su, khoai mì, mía đường và dưa hấu, với trị giá tổng cộng là 900 triệu đô la vào năm 2021 – một con số tương đối khiêm tốn, theo một bài báo trên tờ Laotian Times. Tuy vậy, mặt hàng xuất khẩu mới có trị giá lớn, lại là thịt bò sang Trung Quốc.

Vào tháng 7 năm 2022, Phet Phomphiphak, bộ trưởng nông lâm nghiệp, tuyên bố trước Quốc hội Lào rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu 500,000 con gia súc. Trong nửa đầu năm ngoái, Lào đã xuất khẩu gần 60,000 con bò từ tổng đàn trâu bò ước tính khoảng 3.5 triệu con của nước này. Chỉ có 100,000 con trong số này được nuôi trong các trang trại, chính sách chính thức hiện nay là khuyến khích chăn nuôi gia súc cũng như chăn nuôi bởi những nông dân cá thể, những người thường không sở hữu đất đai. Điều đó chỉ có thể có nghĩa là nhiều khói mù hơn.

Ở Lào cũng đã xảy ra tình trạng đốt rừng để dọn đất trồng khoai mì. Marks cho biết: “Khoai mì là sản phẩm nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao nhất ở Lào và là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu trong tháng 2 năm nay.”

Đốt rẫy là một phần truyền thống của đời sống nông thôn ở nhiều nơi của Đông Nam Á; đốt rác thải trong vườn tược chính là thói quen. Những ngọn lửa nhỏ này được cho là có thể thực hiện một số chức năng hữu ích, chẳng hạn như kiểm soát côn trùng và các động vật hoang dã khác, trong khi việc đốt ngăn chặn [1] vừa phải thường xuyên sẽ hạn chế những đám cháy rừng có thể lớn hơn và tàn khốc hơn nhiều.

Anand Noncharoen, một nhà nông học đã nghỉ hưu, người đã có 38 năm làm việc tại Văn phòng Ủy ban Mía và Đường Thái Lan, tin rằng vấn đề này một phần là do thế hệ, và những người lớn tuổi đã quen với tốc độ và sự tiện lợi của việc đốt như một phương pháp xử lý chất thải. “Họ biết rằng họ không nên làm điều đó,” anh nói với Nikkei.

Marks cho biết phản ứng của chính phủ - lệnh cấm đốt hoàn toàn - là quá thẳng thừng. “Thái Lan đã làm theo những gì nhiều quốc gia khác đã làm bằng cách ban hành lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các hoạt động đốt lửa, nhưng họ đã không làm theo những gì các quốc gia này cũng đã làm: đốt ngăn chặn và các kỹ thuật ngăn chặn lửa khác. Kết quả là, khi một đám cháy rừng phát sinh, ngọn lửa sẽ lan mau chóng hơn và trở nên nguy hiểm hơn, khó khống chế hơn và gây ô nhiễm không khí nhiều hơn.”

Việc đốt bắp hoặc gốc rạ cây bắp, thân cây đậu nành, lá mía và rơm rạ với số lượng lớn tạo ra hàng triệu tấn carbon đáng ra sẽ phân hủy tự nhiên trở lại đất, được ủ hoặc thu gom để tạo ra năng lượng. Thay vào đó, chúng bị đốt cháy vào bầu khí quyển.
TELEMMGLPICT000330308342_trans_NvBQzQNjv4BqpVlberWd9EgFPZtcLiMQf0Rf_Wk3V23H2268P_XkPxc.png
Quang cảnh Chiang Mai nhìn từ đền Doi Suthep bị che mờ bởi khói bụi. Nguồn: Telegraph

Trong trường hợp không có lựa chọn nào khác, những người nông dân nghèo và hầu hết không có đất cần phải dọn đất nhằm lấy chỗ cho vụ mùa tiếp theo để nuôi sống gia đình họ. Nhiều người không thể đủ tiền mua máy móc nông nghiệp để thu hoạch và xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Các sườn đồi dốc đứng khiến máy móc lớn hơn không thể tiếp cận được, và nhiều người tiếp tục hái hạt bắp bằng tay hoặc đốt mía theo phương thẳng đứng trước khi chặt nó xuống để mọc lại.

Thậm chí tại các tỉnh miền Trung phát triển như Chonburi, gần Bangkok, nơi có nhà máy đường và cảng biển, nạn đốt mía vẫn xảy ra. Điều này một phần là do thu hoạch bằng máy gây lãng phí so với sử dụng lao động và máy móc nhập khẩu đắt tiền không được hỗ trợ đúng.

“Lá mía sắc như dao, cứa vào mặt bạn,” Arkorn nói. “Bạn không thể tìm được những người lao động sẽ ra đồng, vì vậy họ đốt mía theo phương thẳng đứng trước, sau đó chặt bằng tay.”

Ai nên bị đổ lỗi?


Marks đổ lỗi cho các tập đoàn nông nghiệp lớn mà theo ông là đã không làm đủ để ngăn cản hoặc ngăn chặn việc đốt nông nghiệp. Marks cho biết: “Các công ty nông nghiệp lớn đã không làm đủ để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không có bất kỳ sản phẩm nào, chẳng hạn như bắp, khoai mì và đường, được sản xuất từ việc đốt cháy chúng,” Marks cho biết. “Các công ty mía đường chưa cung cấp máy móc thu hoạch cho nông dân theo hợp đồng. Các doanh nghiệp nông nghiệp có thể làm nhiều hơn nữa để giúp nông dân sản xuất nhỏ làm cho quy trình sản xuất của họ sạch hơn. Thay vào đó, họ chọn lấy một cách tiếp cận chủ yếu là không can thiệp .”

Charoen Pokphand Group (CPG) được xếp hạng là công ty nông nghiệp lớn nhất Thái Lan. Viranon Futrakul, phó chủ tịch về tính bền vững và truyền thông, trình bày như một động lực tích cực trong việc mở rộng nền nông nghiệp. Ông nói với Nikkei rằng CPG và các công ty con cam kết đảm bảo nguồn cung ứng ngô bền vững và đã “triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc bắp ngô để tìm nguồn bắp phục vụ việc sản xuất thức ăn chăn nuôi mà không xâm lấn rừng và đốt cây trồng”.

Viranon cho biết nhóm này cung cấp cho nông dân “thông tin chuyên sâu để khuyến khích không đốt cây trồng bằng cách tăng giá trị của thân gốc cây bắp. Nhóm cũng tận dụng hệ thống hình ảnh vệ tinh để lập bản đồ các điểm cháy và khu vực thu hoạch, cho phép [CPG] nhận dạng và ngăn chặn việc đốt cây trồng.”

image-9.png
Một nông dân Thái đang đốt rẫy thân cây bắp vào năm 2021 để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Nguồn: The Thaiger

“CP Group và CP Foods cam kết đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho nông dân, môi trường và cộng đồng bền vững, với hệ thống truy xuất nguồn gốc tân tiến và thực hành canh tác bền vững,” CPG cho biết trong một thông cáo báo chí.

Về lý thuyết, các nạn nhân của ô nhiễm nên tìm sự che chở theo hiến pháp Thái Lan.

Mặc dù các điều khoản về môi trường đã được giảm bớt trong lần lặp lại thứ 20 vào năm 2017, theo Mục 57, nhà nước vẫn cam kết “bảo tồn, bảo vệ, duy trì, khôi phục, quản lý và sử dụng hoặc sắp xếp tận dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học một cách cân bằng và bền vững, với điều kiện là người dân địa phương và cộng đồng địa phương có liên quan sẽ được phép tham gia vào và thu được lợi ích từ cam kết đó theo quy định của pháp luật.”

Những nỗ lực giải quyết vấn đề khói mù thông qua các tòa án cho đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Không có mặt trong cuộc tham vấn ngày 7 tháng 4 của ông Prayuth là tất cả các bên liên quan khác, đặc biệt là những người khổng lồ trong ngành nông nghiệp hiếm khi được báo chí nhắc đến và những người nông dân thiệt thòi thường bị coi là vật tế thần vì những nỗ lực tuyệt vọng của họ để duy trì hoạt động.

Cũng giống như không có lửa làm sao có khói, người Thái cổ có câu: “Bạn không thể giấu một con voi đã chết dưới chiếc lá”.

Lược dịch từ báo cáo của Dominic Faulder, Nikkei Asia.

 

 

Thế Giới Quanh Ta khác

Positive SSL